Quản lý dữ liệu được định nghĩa là việc phát triển, thực hiện và giám sát các kế hoạch, chính sách, chương trình và các hoạt động thực tiễn nhằm cung cấp, kiểm soát, bảo vệ và nâng cao giá trị của tài sản dữ liệu và thông tin trong suốt vòng đời của chúng (Damabook).
Quản trị dữ liệu cung cấp định hướng và giám sát việc quản lý dữ liệu bằng cách thiết lập một hệ thống quyền quyết định đối với dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. (Xem chi tiết tại Quản trị dữ liệu).
Trong hình DAMA Wheel bên cạnh, quản trị dữ liệu được đặt ở trung tâm của các hoạt động quản lý dữ liệu nhằm cho thấy quản trị dữ liệu được yêu cầu đảm bảo cho sự nhất quán giữa các hoạt động quản lý dữ liệu.
Tất cả các hoạt động quản lý dữ liệu đều cần thiết trong chương trình quản lý tổng thể, tuy nhiên mỗi hoạt động và phạm vi triển khai có thể thực hiện vào các thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu của tổ chức.
Định nghĩa các lĩnh vực chính của quản lý dữ liệu:
Các lĩnh vực chính của dữ liệu bao gồm:
Kiến trúc dữ liệu: Xác định nhu cầu dữ liệu của doanh nghiệp, đồng thời thiết kế và duy trì các thiết kế tổng thể để đáp ứng các nhu cầu đó. Sử dụng các thiết kế tổng thể để hướng dẫn tích hợp dữ liệu, kiểm soát tài sản dữ liệu và điều chỉnh những sự đầu tư về dữ liệu cho phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Mô hình hóa dữ liệu là quá trình khám phá, phân tích và xác định phạm vi các yêu cầu dữ liệu, sau đó trình bày và truyền đạt các yêu cầu dữ liệu này dưới dạng chính xác được gọi là mô hình dữ liệu. Quá trình này được lặp đi lặp lại và có thể bao gồm một mô hình khái niệm, logic và vật lý.
Lưu trữ và vận hành dữ liệu bao gồm việc thiết kế, triển khai và hỗ trợ dữ liệu được lưu trữ để tối đa hóa giá trị của nó.
Bảo mật dữ liệu bao gồm việc định nghĩa, lập kế hoạch, phát triển và thực hiện các chính sách và thủ tục bảo mật để cung cấp xác thực, ủy quyền, truy cập và kiểm tra dữ liệu và tài sản thông tin phù hợp.
Tích hợp dữ liệu bao gồm các quy trình liên quan đến việc di chuyển và hợp nhất dữ liệu bên trong và giữa các kho dữ liệu, các ứng dụng và các tổ chức.
Quản lý tài liệu và nội dung bao gồm các hoạt động lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát để quản lý vòng đời của dữ liệu và thông tin.
Dữ liệu chủ và dữ liệu tham chiếu: Quản lý dữ liệu quan trọng mà tổ chức thường dùng chung để đáp ứng các mục tiêu của tổ chức, giảm rủi ro liên quan đến dư thừa dữ liệu, đảm bảo chất lượng cao của dữ liệu và giảm chi phí tích hợp dữ liệu.
Kho dữ liệu và báo cáo thông minh bao gồm việc lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát các quy trình để quản lý những dữ liệu có ý nghĩa trong việc hỗ trợ ra quyết định và cung cấp cho đơn vị kinh doanh, vận hành những thông tin có giá trị từ dữ liệu thông qua các báo cáo, bảng điều khiển và các phân tích.
Siêu dữ liệu bao gồm các hoạt động lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát để cho phép truy cập vào siêu dự liệu. Siêu dữ liệu bao gồm các định nghĩa, mô hình, luồng dữ liệu và các thông tin quan trọng khác liên quan dữ liệu và các hệ thống mà qua đó dữ liệu được tạo, duy trì và truy cập.
Chất lượng dữ liệu bao gồm việc lập kế hoạch và thực hiện các kỹ thuật quản lý chất lượng để đo lường, đánh giá và cải thiện tính phù hợp của dữ liệu để sử dụng trong tổ chức.
Peter Aiken biểu diễn sự tiến triển và mối quan hệ giữa các cấu phần của quản lý dữ liệu và quản trị dữ liệu qua hình kim tự tháp như hình bên. Hầu hết các doanh nghiệp trải qua sự phát triển với bốn giai đoạn lần lượt như vậy.
Giai đoạn 1: Các doanh nghiệp bắt đầu với việc vận hành và lưu trữ dữ liệu trên các databases. Việc này kéo theo các yêu cầu thiết kế mô hình dữ liệu lưu trữ trên databases và bảo mật dữ liệu; đồng thời phát triển sự tích hợp và khả năng tương tác của các hệ thống dữ liệu.
Giai đoạn 2: Các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng dữ liệu cho các ứng dụng, vì vậy doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng dữ liệu cao, siêu dữ liệu đáng tin cậy và kiến trúc dữ liệu nhất quán.
Giai đoạn 3: Sự phát triển của các hoạt động của giai đoạn 2 yêu cầu vai trò của quản trị dữ liệu để hướng dẫn, hỗ trợ cho các hoạt động này hiệu quả và nhất quán. Quản trị dữ liệu cũng đồng thời tạo thuận lợi cho việc thực hiện các sáng kiến chiến lược như xây dựng kho dữ liệu và báo cáo thông minh, quản lý dữ liệu chủ, quản lý tài liệu và nội dung.
Giai đoạn 4: Dữ liệu đã được quản lý tốt nên cho phép thực hiện các phân tích nâng cao phục vụ cho kinh doanh.
Các doanh nghiệp có thể xác định được mình đang ở giai đoạn nào.
Hãy liên hệ với BigBangData để có được tư vấn và giải pháp dữ liệu tốt nhất cho doanh nghiệp của quý khách hàng!