Chiến lược của các doanh nghiệp đã và đang đặt dữ liệu và văn hóa dữ liệu là các yếu tố nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số và hướng tới việc khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả để nâng cao hiệu quả vận hành, trải nghiệm của khách hàng, lợi ích kinh doanh và hỗ trợ thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ, kiểm toán. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chú tâm và nỗ lực thực hiện các mục tiêu cơ bản sau:
- Toàn doanh nghiệp phải có sự hiểu biết thống nhất về dữ liệu và ý nghĩa của dữ liệu.
- Thiết lập bản đồ dữ liệu để cho phép doanh nghiệp khai phá triệt để các nguồn dữ liệu của mình nhằm mang lại lợi ích kinh doanh.
- Nâng cao chất lượng dữ liệu.
- Cải thiện các quá trình quản lý dữ liệu.
- Đảm bảo an toàn cho dữ liệu và sự tuân thủ các quy định nội bộ, quy định của pháp luật về dữ liệu.
Để đảm bảo các yêu cầu này được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả, doanh nghiệp cần thiết phải triển khai một chương trình Quản trị dữ liệu tập trung trong toàn doanh nghiệp.
Quản trị dữ liệu được hiểu là việc thực hiện quyền, sự kiểm soát và ra quyết định chung về việc lập kế hoạch, giám sát và thực thi đối với việc quản lý tài sản dữ liệu, nhưng không trực tiếp thực hiện quản lý tài sản dữ liệu.
Các điểm trọng tâm của quản trị dữ liệu bao gồm:
Chiến lược: Xác định, truyền thông và thúc đẩy thực thi Chiến lược dữ liệu và Chiến lược quản trị dữ liệu.
Chính sách: Thiết lập và thực thi các chính sách liên quan đến dữ liệu và quản lý siêu dữ liệu (metadata), truy cập, sử dụng, bảo mật và chất lượng dữ liệu.
Tiêu chuẩn và chất lượng: Thiết lập và thực thi các tiêu chuẩn về Chất lượng dữ liệu và Kiến trúc dữ liệu
Giám sát: Quan sát, đánh giá và hiệu chỉnh thực hành trong các lĩnh vực chính của quản lý chất lượng, chính sách và dữ liệu.
Tuân thủ: Đảm bảo tổ chức có thể đáp ứng các yêu cầu tuân thủ quy định liên quan đến dữ liệu.
Quản lý các vấn đề phát sinh: Xác định, báo cáo và giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, truy cập dữ liệu, chất lượng dữ liệu, tuân thủ quy định, quyền sở hữu dữ liệu, chính sách, tiêu chuẩn, thuật ngữ hoặc thủ tục quản lý dữ liệu.
Các dự án quản lý dữ liệu: Tài trợ cho các nỗ lực cải thiện các phương pháp quản lý dữ liệu.
Định giá tài sản dữ liệu: Thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình để xác định nhất quán giá trị kinh doanh của tài sản dữ liệu.
Có nhiều mô hình quản trị dữ liệu để áp dụng cho các loại hình và thực tế của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trong nước, chúng tôi khuyến nghị áp dụng mô hình liên kết, trong đó tất cả các đơn vị của doanh nghiệp sẽ nằm trong một chương trình quản trị dữ liệu chung (như sơ đồ bên). Mô hình này mang lại nhiều ưu điểm:
- Duy trì một cách nhất quán các định nghĩa và tiêu chuẩn trong tổ chức;
- Giúp cho việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị kinh doanh an toàn và dễ dàng hơn;
- Tập trung dữ liệu để khai thác các bài toán lớn hiệu quả hơn;
- Quản trị tập trung và đồng bộ các quy tắc tuân thủ dữ liệu.
Am hiểu chiến lược: Các kết quả của quản trị dữ liệu là nhằm hỗ trợ thực hiện chiến lược dữ liệu. Trong đó, chiến lược dữ liệu là việc xác định và thực hiện việc thu thập, quản lý, bảo vệ và sử dụng dữ liệu như thế nào để phục vụ cho chiến lược kinh doanh. Vì vậy, sự thành công của một chương trình quản trị dữ liệu trước hết phụ thuộc vào việc lãnh đạo xác định rõ chiến lược kinh doanh, chiến lược dữ liệu và các thành viên của tổ chức cần hiểu rất rõ về những chiến lược này.
Xác định mục tiêu của chương trình quản trị dữ liệu: Căn cứ vào các chiến lược trên mà chương trình quản trị dữ liệu xác định rõ các kết quả cần phải đạt được. Những mục tiêu cơ bản của quản trị dữ liệu cần đạt được như:
- Chất lượng dữ liệu phải được cải thiện;
- Bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu phải được cải thiện;
- Xây dựng, quản lý và sử dụng nhất quán siêu dữ liệu trong toàn thể tổ chức;
- Kiến trúc dữ liệu phải được cải thiện để đáp ứng vận hành;
- Nâng cao văn hóa dữ liệu trong tổ chức;
- Vv.
Mô hình tổ chức: Bước tiếp theo là việc tổ chức quản trị dữ liệu, trong đó xác định rõ mô hình hoạt động và vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong tổ chức quản trị.
Quá trình thực hiện: xác định rõ các bước, các nhiệm vụ cần thực hiện của chương trình quản trị dữ liệu.
Công cụ: Tìm hiểu và lựa chọn công cụ phù hợp để hỗ trợ cho việc thực hiện quản trị dữ liệu.
Các chiến lược và kết quả của quản trị dữ liệu cần đạt đến mức độ nào là tùy thuộc các tổ chức định ra cho mình. Vì thế, trong các phần tiếp theo, chúng tôi chỉ chia sẻ những thực hành tốt nhất và áp dụng chung được cho mọi tổ chức về các chủ điểm: Mô hình tổ chức, Cách thức thực hiện và Công cụ hỗ trợ.
Tùy thuộc mức độ lớn của tổ chức mà chúng ta xác định mô hình hoạt động cho phù hợp. Dưới đây chúng tôi đề xuất mô hình cho tổ chức lớn và siêu lớn. Ba cấp hoạt động trong mô hình, như sơ đồ bên cạnh, bao gồm:
- Hội đồng quản trị dữ liệu
- Ban quản trị dữ liệu
- Các nhóm làm việc chuyên trách.
Đối với các tổ chức có quy mô nhỏ hơn, mô hình nên được tổ chức tinh gọn hơn.
Hội đồng quản trị dữ liệu (HĐQTDL) là đơn vị cao nhất trong mô hình tổ chức quản trị dữ liệu, đóng vai trò lãnh đạo, ra quyết đinh và giám sát toàn bộ chương trình quản trị dữ liệu.
Vai trò, trách nhiệm và thành viên của Hội đồng quản trị dữ liệu cơ bản như sau. (Sử dụng dấu trỏ để xem chi tiết.)
Vai trò, trách nhiệm
- Quyết định, đánh giá mức độ ưu tiên thực thi các chiến lược, hoạt động, dự án, yêu cầu quản trị dữ liệu; đồng thời điều chỉnh lộ trình và phạm vi chương trình quản trị dữ liệu.
- Đưa ra các quyết định nhằm huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện triển khai các hoạt động quản trị dữ liệu.
- Phê duyệt các khuyến nghị, báo cáo, đề xuất về các vấn đề quản trị dữ liệu do cấp dưới đệ trình.
- Xem xét và cho ý kiến trước khi trình cấp phê duyệt ban hành các tài liệu chính như: kiến trúc, lộ trình và chức năng của quản trị dữ liệu, chính sách, quy định, quy trình về dữ liệu.
Thành viên của Hội đồng quản trị dữ liệu nên bao gồm:
- Chủ tịch HĐQTDL: Thường là một thành viên trong Ban lãnh đạo cấp cao của tổ chức.
- Thành viên thường bao gồm:
+ Giám đốc dữ liệu
+ Giám đốc quản trị dữ liệu
+ Giám đốc công nghệ thông tin
+ Các chủ sở hữu dữ liệu (thường là lãnh đạo cấp cao nhất của đơn vị kinh doanh)
Đối với các tổ chức lớn thì vai trò của Ban quản trị dữ liệu (BQTDL) là cần thiết vì việc Nhóm chuyên trách làm việc trực tiếp với HĐQTDL là không hợp lý. Ban quản trị dữ liệu sẽ đóng vai trò điều phối là: cụ thể hóa các chỉ đạo từ HĐQTDL và đưa xuống các Nhóm chuyên trách để triển khai, ngược lại sẽ tổng hợp các vấn đề từ dưới và báo cáo lên HĐQTDL.
Vai trò, trách nhiệm và thành viên của Ban quản trị dữ liệu cơ bản như sau. (Sử dụng dấu trỏ để xem chi tiết.)
Vai trò, trách nhiệm
- Đề xuất ý kiến chuyên môn nghiệp vụ cho HĐQTDL và đưa ra các biện pháp thực hiện, triển khai các chỉ đạo của HĐQTDL.
- Đánh giá mức độ ưu tiên soạn thảo, xem xét, cập nhật các quy định, thủ tục, tiêu chuẩn quản trị dữ liệu cần thiết, các nguyên tắc nghiệp vụ, chỉ số đo lường chất lượng dữ liệu.
- Quản lý và đề xuất nhân lực cần thiết cho các hoạt động quản trị dữ liệu.
- Theo dõi tiến độ, sản phẩm bàn giao và quản lý các thay đổi trong chương trình quản trị dữ liệu và chất lượng dữ liệu.
- Thực hiện một số hoạt động quản trị dữ liệu đặc thù như: xác định phần tử dữ liệu trọng yếu, dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu chủ, quản lý vấn đề chất lượng dữ liệu, cung cấp các chỉ số đo lường về tiến độ và giá trị của quản trị dữ liệu.
- Báo cáo các vấn đề, rủi ro và quyết định của BQTDL lên HĐQTDL.
- Xác định và lập kế hoạch nâng cao nhận thức, truyền thông và đào tạo về quản trị dữ liệu trong tổ chức.
Thành viên thường bao gồm:
- Chủ tịch Ban quản trị dữ liệu: Thường là giám đốc quản trị dữ liệu
- Các chuyên gia quản trị dữ liệu
- Các cán bộ phụ trách dữ liệu của các khối trong tổ chức
Các nhóm này thực hiện các công việc hàng ngày liên quan đến quản trị dữ liệu và chất lượng dữ liệu.
Vai trò, trách nhiệm và thành viên của Nhóm chuyên trách cơ bản như sau. (Sử dụng dấu trỏ để xem chi tiết.)
Vai trò, trách nhiệm
- Làm việc theo sự phân công, chỉ đạo của BQTDL.
- Trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về các sản phẩm bàn giao của các dự án quản trị dữ liệu và chất lượng dữ liệu.
- Xác định các rủi ro, các vấn đề và kế hoạch cải thiện chất lượng dữ liệu dự án.
- Cung cấp thông tin và báo cáo các vấn đề lên BQTDL.
Thành phần:
- Trưởng nhóm: Thường là cán bộ quản trị dữ liệu thuộc Đơn vị Dữ liệu và phân tích.
- Cán bộ phụ trách nghiệp vụ dữ liệu liên quan.
- Cán bộ phụ trách kĩ thuật dữ liệu liên quan.
- Chuyên gia: Là người có trình độ chuyên môn về dữ liệu, kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác liên quan đến dữ liệu của các quy trình, dự án kinh doanh tương ứng. Một số dự án có thể cần đến các vai trò chuyên gia đặc thù, ví dụ như dự án quản trị dữ liệu liên quan đến bảo mật có thể cần sự tham gia của chuyên gia bảo mật.
Quản trị dữ liệu liên quan, tác động lên toàn doanh nghiệp. Để chương trình thành công, cần có sự phối hợp của tất cả các đơn vị, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi vị trí trong mô hình quản trị. Các nghiên cứu và thực hành tốt nhất trên thế giới đã chỉ ra các vai trò trong mô hình quản trị dữ liệu như sau. (Sử dụng dấu trỏ để xem chi tiết.)
Chủ tịch Hội đồng dữ liệu thường là một thành viên trong ban lãnh đạo cấp cao của tổ chức. Đây là vị trí rất quan trọng vì sự quyết tâm, chỉ đạo và ủng hộ của người đứng đầu chương trình là yếu tố đầu tiên mang lại sự thành công của chương trình. Một số vai trò, trách nhiệm chính của Chủ tịch Hội đồng quản trị dữ liệu như sau:
- Chịu trách nhiệm chung về chương trình dữ liệu; về việc quản lý Tổ chức quản trị dữ liệu và Mô hình hoạt động.
- Chịu trách nhiệm quyết định, phê duyệt các hoạt động quản trị dữ liệu theo thẩm quyền.
- Thúc đẩy các hoạt động quản trị dữ liệu, và nỗ lực hỗ trợ giải quyết các vấn đề khi không đạt được sự đồng thuận giữa các đơn vị.
- Xác định và quản lý cơ cấu tổ chức quản trị dữ liệu và các thành phần của quản trị dữ liệu.
- Xác định chương trình chiến lược quản trị dữ liệu, các dự án được ưu tiên và chỉ đạo việc thực hiện.
- Thúc đẩy việc đào tạo quản trị dữ liệu để phát triển văn hóa dữ liệu trong doanh nghiệp.
- Tư vấn, hỗ trợ giám đốc dữ liệu thực hiện các công việc liên quan đến quản trị dữ liệu.
- Điều hành các dự án quản trị dữ liệu.
- Quản lý nguồn lực quản trị dữ liệu.
- Kết nối chặt chẽ với các bộ phận liên quan trong tổ chức và thực hiện các việc cần thiết để hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị liên quan hoàn thành các nhiệm vụ quản trị dữ liệu.
- Cập nhật dự án cho Hội đồng quản trị dữ liệu.
Dữ liệu được sinh ra từ các hoạt động của tổ chức là tài sản chung của tổ chức, không phải tài sản của các cá nhân hoặc bộ phận riêng biệt. Tuy nhiên, trách nhiệm làm việc với dữ liệu phải được phân công cho các vai trò trong tổ chức; các cá nhân hoặc các nhóm sẽ đảm nhận các vai trò này. Tổ chức phải chỉ định cá nhân làm Chủ sở hữu dữ liệu để điều phối các trách nhiệm về dữ liệu.
Chủ sở hữu dữ liệu thường là một thành viên lãnh đạo của một đơn vị kinh doanh/vận hành do Hội đồng lãnh đạo chỉ định chịu trách nhiệm cho một Bộ dữ liệu cụ thể được sinh ra từ hoạt động do đơn vị đó phụ trách và đảm bảo chất lượng dữ liệu cho Bộ dữ liệu được giao.
Đối với các dữ liệu do bên thứ ba cung cấp cho tổ chức, thì tổ chức nên có nguyên tắc để xác định ai nên là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu dữ liệu đó.
Chủ dữ liệu có các vai trò chính như sau:
Làm chủ dữ liệu và thông tin trong bộ dữ liệu nhằm đảm bảo dữ liệu và thông tin được quản lý trên các hệ thống và tại đơn vị nghiệp vụ.
Có thẩm quyền và chịu trách nhiệm phê duyệt các hoạt động về quản lý bộ dữ liệu mà mình làm chủ sở hữu, bao gồm:
- Chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bộ từ điển thuật ngữ kinh doanh. Phê duyệt và chịu trách nhiệm quyền sở hữu bộ từ điển thuật ngữ kinh doanh.
- Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt các chính sách, tiêu chuẩn, quy trình, các quyền truy cập dữ liệu đối với dữ liệu mà mình sở hữu.
- Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, cải thiện chất lượng dữ liệu và phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo tính khả dụng của dữ liệu thuộc bộ dữ liệu được áp dụng trên các hệ thống và các đơn vị nghiệp vụ.
Chỉ đạo, cung cấp nguồn lực cần thiết để giải quyết các vấn đề liên quan đến bộ dữ liệu mà mình làm chủ sở hữu.
Hợp tác và trao đổi chặt chẽ với đơn vị quản trị dữ liệu để đảm bảo các hoạt động về quản trị dữ liệu được nhất quán và đúng với định hướng của Chiến lược quản trị dữ liệu và Chiến lược dữ liệu.
Hợp tác và trao đổi với các chủ sở hữu dữ liệu khác về các chủ đề cần sự phối hợp xuyên suốt.
Hợp tác và trao đổi chặt chẽ với Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin đang quản lý và vận hành dữ liệu mà mình sở hữu để giải quyết các vấn đề về dữ liệu.
Báo cáo các vấn đề dữ liệu lên Hội đồng quản trị dữ liệu theo yêu cầu.
Chỉ định và chỉ đạo cán bộ quản lý nghiệp vụ dữ liệu.
Đơn vị công nghệ thông tin là đơn vị sở hữu hệ thống và vận hành dữ liệu của doanh nghiệp. Đơn vị này liên quan trực tiếp đến nhiều khía cạnh của quản lý dữ liệu như: kiến trúc dữ liệu, bảo mật dữ liệu, mô hình dữ liệu, chất lượng dữ liệu, từ điển dữ liệu, vv. Do đó, vai trò hợp tác và tham gia chương trình của đơn vị này là không thể thiếu, nếu không sẽ không thể thực hiện được chương trình quản trị dữ liệu.
Với vai trò quan trọng của đơn vị công nghệ thông tin như vậy, nên giám đốc công nghệ thông tin sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong trương trình này, với các trách nhiệm như sau:
- Là chủ sở hữu của từ điển dữ liệu, luồng dữ liệu, bản đồ kiến trúc dữ liệu.
- Chỉ đạo việc xây dựng và có trách nhiệm phê duyệt, quản lý, duy trì từ điển dữ liệu, luồng dữ liệu, bản đồ kiến trúc dữ liệu để đảm bảo các thông tin này được sử dụng thống nhất, đúng đắn và hỗ trợ đắc lực cho người khai thác, sử dụng dữ liệu và các ứng dụng số trong toàn doanh nghiệp.
- Chỉ đạo sự hợp tác và hỗ trợ đơn vị dữ liệu và phân tích, các đơn vị kinh doanh thực hiện quản trị dữ liệu và giải quyết các vấn đề dữ liệu.
- Chỉ định và chỉ đạo cán bộ quản lý kĩ thuật dữ liệu thực hiện các công việc liên quan đến quản trị dữ liệu.
Cán bộ quản lý nghiệp vụ dữ liệu yêu cầu có kiến thức vững chắc về kinh doanh và các chính sách, quy trình của đơn vị/tổ chức và làm việc hàng ngày với dữ liệu của tổ chức. Cán bộ quản lý nghiệp vụ sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các công việc hỗ trợ chủ sở hữu dữ liệu với các vai trò như sau:
Định nghĩa và xây dựng nghiệp vụ dữ liệu.
- Xây dựng và duy trì bảng thuật ngữ kinh doanh cho đơn vị mình phụ trách.
- Tham gia xây dựng các chính sách, quy định, quy trình liên quan đến dữ liệu.
- Xác định và đánh giá nhu cầu sử dụng dữ liệu và các vấn đề liên quan đến dữ liệu.
Giám sát và cải thiện chất lượng dữ liệu.
- Làm việc với cán bộ quản lý kĩ thuật dữ liệu để đo lường và giám sát chất lượng dữ liệu so với ngưỡng chất lượng quy định.
- Đề xuất và tham gia vào các hoạt động, dự án khắc phục, cải thiện chất lượng dữ liệu.
Kích hoạt nhóm vận hành và kế hoạch hoạt động.
- Làm việc trong vai trò quản lý nghiệp vụ dữ liệu của đơn vị kinh doanh.
- Tham gia vào các ban/nhóm làm việc về quản trị dữ liệu; báo cáo cho Ban phụ trách quản trị dữ liệu.
- Giải quyết các vấn đề về quản lý, chất lượng của từ điển nghiệp vụ dữ liệu.
- Là đầu mối nghiệp vụ của các vấn đề về dữ liệu của đơn vị kinh doanh.
- Báo cáo các chủ đề liên quan đến dữ liệu cho chủ sở hữu dữ liệu.
- Tham gia vào việc truyền thông về quản trị dữ liệu, văn hóa dữ liệu, cập nhật các tin tức về dữ liệu cho đơn vị của mình.
Là cán bộ có kinh nghiệm làm việc với hệ thống dữ liệu, có kĩ năng thực hiện các kĩ thuật trích xuất, phân tích, kiểm tra, lập bản đồ dữ liệu. Cán bộ quản lý kĩ thuật dữ liệu được chỉ định bởi Giám đốc công nghệ thông tin.
Cán bộ quản lý kĩ thuật có trách nhiệm như sau:
- Xây dựng và quản lý từ điển dữ liệu, luồng dữ liệu, bản đồ kiến trúc dữ liệu.
- Giám sát và quản lý chất lượng của dữ liệu trên hệ thống mà mình quản lý.
- Thực hiện công việc cần thiết của hệ thống kỹ thuật để hỗ trợ cán bộ nghiệp vụ dữ liệu và cán bộ quản trị dữ liệu hoàn thành chương trình quản trị dữ liệu.
- Báo cáo Giám đốc CNTN về các vấn đề liên quan đến quản trị dữ liệu và chất lượng dữ liệu.
Đây là các cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn về quản trị dữ liệu trực thuộc đơn vị quản trị dữ liệu. Những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng các cán bộ này nên có:
Am hiểu kinh doanh: Quản trị dữ liệu nhằm hướng đến đích cuối cùng là đạt được mục tiêu kinh doanh, do đó cán bộ quản trị dữ liệu cần có am hiểu nhất định về lĩnh vực kinh doanh của tổ chức mình.
Am hiểu dữ liệu: Các cán bộ sẽ trực tiếp quản trị dữ liệu của doanh nghiệp mình, do đó cần có sự am hiểu về dữ liệu và hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp mình.
Nghiệp vụ quản trị: Khi các quy định, quy trình quản trị dữ liệu được áp dụng vào doanh nghiệp sẽ tương tác đến nhận thức, thói quen, quy trình làm việc của nhân viên của hầu hết các đơn vị trong tổ chức, vì vậy cán bộ quản trị dữ liệu cần có hiểu biết về hiện trạng, các quy trình làm việc của các đơn vị trong tổ chức và các vấn đề liên quan đến pháp lý nhằm đảm bảo việc xây dựng các quy định, quy trình hợp lý, thuận lợi cho các đơn vị hoạt động, nhưng vẫn đảm bảo được việc quản trị và bảo vệ dữ liệu.
Công nghệ: Việc quản trị dữ liệu phải áp dụng tự động tối đa trên các hệ thống công nghệ thông tin và sử dụng công cụ quản trị dữ liệu để hỗ trợ. Việc này, đòi hỏi cán bộ quản trị dữ liệu có kiến thức và kĩ năng về công nghệ để có thể biết được yêu cầu nào, công nghệ nào, tính năng nào cần thiết cho hệ thống quản trị dữ liệu của mình và kiểm soát được nó.
Những kiến thức và kĩ năng cơ bản trên sẽ hỗ trợ các cán bộ quản trị làm việc hiệu quả và có được tiếng nói có giá trị khi tham gia vào các dự án làm việc với các cán bộ quản lý nghiệp vụ dữ liệu và cán bộ quản lý kĩ thuật dữ liệu để hoàn thành các nhiệm vụ quản trị dữ liệu.
Chương trình quản trị dữ liệu được thực hiện với bốn bước:
Đánh giá: khảo sát, đánh giá hiện trạng các vấn đề về dữ liệu.
Định nghĩa: thiết lập các nội dung của quản trị dữ liệu dựa trên kết quả đánh giá và mức độ mong muốn đạt được của tổ chức.
Áp dụng: triển khai các nội dung quản trị dữ liệu đã được thiết lập ở bước 2 vào hệ thống và các hoạt động hàng ngày của tổ chức.
Đo lường, giám sát: giám sát việc thực các nội dung quản trị dữ liệu trong tổ chức và đo lường kết quả.
Sử dụng dấu trỏ để xem nội dung chi tiết của từng bước được trình bày bên dưới.
Đánh giá hiện trạng về dữ liệu của doanh nghiệp là bước đầu tiên cần thực hiện khi triển khai một chương trình quản trị dữ liệu. Các vấn đề cần đánh giá chủ yếu như sau:
- Nhu cầu sử dụng dữ liệu và hiện trạng sử dụng.
- Các vấn đề nào của dữ liệu đang phải đối mặt.
- Hiện trạng chất lượng dữ liệu.
- Những rủi ro dữ liệu hiện tại.
- Rà soát các quy định và việc tuân thủ hiện tại.
- Rà soát các chính sách, quy định, hướng dẫn hiện tại về dữ liệu và hiệu quả thực hiện.
- Lập hồ sơ về trạng thái hiện tại của dữ liệu, tính sẵn sàng của dữ liệu.
- Đánh giá các cơ hội để cải thiện dữ liệu.
- Vv.
Việc khảo sát, đánh giá này cho phép doanh nghiệp nắm rõ được hiện trạng của mình, hiểu được vị trí của doanh nghiệp mình so với chuẩn mực tiên tiến của thế giới. Trên cơ sở đó, cộng với dựa trên cơ sở năng lực của doanh nghiệp, mà thiết lập được mức độ mong muốn đạt được, xác định rõ được các việc cần làm và lộ trình thực hiện. Nhiều doanh nghiệp thực hiện việc khảo sát, đánh giá này với sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn.
Sau bước đánh giá hiện trạng, tổ chức thực hiện bước tiếp theo là thiết lập các nội dung của quản trị dữ liệu nếu các nội dung này chưa được xây dựng trước đó hoặc cần cải thiện. Các nội dung chính thường bao gồm:
- Thiết lập các văn bản hành chính về chính sách, quy định, tiêu chuẩn để hướng dẫn việc thực thi quản trị dữ liệu. Các chính sách về các nội dung sau là cần thiết: Sở hữu dữ liệu, Từ điển thuật ngữ kinh doanh, Từ điển dữ liệu, Phân loại dữ liệu, Truy cập dữ liệu, Bảo mật dữ liệu, Chất lượng dữ liệu, Tuân thủ dữ liệu.
- Xây dựng bảng thuật ngữ kinh doanh.
- Xây dựng từ điển dữ liệu.
- Thiết lập danh sách các dữ liệu: dữ liệu quan trọng, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu cá nhân, dữ liệu chủ, dữ liệu tham chiếu.
- Xây dựng các quy tắc chất lượng dữ liệu.
- Xác định mức độ phân quyền truy cập, sử dụng dữ liệu cho người dùng.
- Xây dựng các quy trình báo cáo, quy trình xử lý cho các vấn đề dữ liệu phát sinh.
- Định nghĩa các chỉ số và KPI để đo lường hiệu quả.
Giai đoạn này tổ chức có thể tự xây dựng hoặc thực hiện với sự kết hợp từ đơn vị tư vấn.
Khi xây dựng các nội dung này cần sự phối hợp của nhiều bên trong tổ chức, cần sự đồng thuận ý kiến của các bên và sau cùng là được phê duyệt bởi lãnh đạo có thẩm quyền nhằm đảm bảo tính chính thống, tính đúng đắn, chính xác của các nội dung và có hiệu lực thực thi.
Sau khi các nội dung của quản trị dữ liệu đã được xây dựng và phê duyệt, phải triển khai các nội dung này vào hoạt động hàng ngày của tổ chức và cần được thực hiện tự động hóa một cách tối đa nhất. Giai đoạn áp dụng này cần đến sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống công nghệ thông tin và cần có công cụ quản trị dữ liệu phù hợp để triển khai, áp dụng và quản lý các nội dung.
Ví dụ như các quy tắc chất lượng dữ liệu cần được áp dụng ở những chốt nào trên hệ thống dữ liệu, phân quyền cho các đối tượng người dùng trên các hệ thống dữ liệu, quản lý và phân phối từ điển dữ liệu và thuật ngữ kinh doanh đến toàn hàng, vv.
Giai đoạn này cũng cần đẩy mạnh truyền thông, tào đạo, hướng dẫn trong toàn doanh nghiệp về những thay đổi mới khi áp dụng các nội dung quản trị dữ liệu; ví dụ như quy trình yêu cầu cung cấp dữ liệu chặt chẽ hơn, yêu cầu mọi người sử dụng siêu dữ liệu chính thống của toàn doanh nghiệp, vv.
Bước cuối cùng trong quá trình này là giám sát việc thực hiện các nội dung quản trị và đo lường kết quả của chương trình quản trị dữ liệu. Các chỉ số đo lượng cần được thiết lập cho những mục tiêu quan trọng như: chất lượng dữ liệu có được cải thiện không, các dự án có hiệu quả hơn không, hiệu quả tổng thể trên toàn hàng như thế nào, sự tuân thủ quy định về dữ liệu có được cải thiện không, giá trị mang lại cho vận hành, kinh doanh là bao nhiêu, hạn chế được rủi ro như thế nào, nhận thức và văn hóa dữ liệu thay đổi như thế nào?
Quá trình thực hiện là một vòng tròn nhằm liên tục cải thiện những điểm chưa tối ưu, chưa phù hợp.
Tổng kết lại, các bước thực hiện một chương trình quản trị dữ liệu có thể được trải phẳng như trong sơ đồ sau.
Tùy thuộc vào yêu cầu của mình, tổ chức lựa chọn công cụ quản trị phù hợp nhất để triển khai cho hệ thống của mình. Hiện nay có rất nhiều công cụ quản trị dữ liệu được cung cấp bởi các hãng công nghệ, cũng như các công cụ mã nguồn mở.
Các tính năng chính của công cụ quản trị dữ liệu bao gồm: tính năng tích hợp, quản lý metadata, quản lý chất lượng dữ liệu, chức năng tìm kiếm và chức năng quản trị của công cụ. (Sử dụng dấu trỏ để xem chi tiết.)
1. Tính năng tích hợp (Integrations):
Dữ liệu của một doanh nghiệp thường được lưu trữ ở nhiêu nguồn khác nhau với các loại database khác nhau và trên các môi trường on-premise hoặc cloud. Vì vậy, công cụ quản trị dữ liệu luôn cần đáp ứng khả năng tích hợp với nhiều loại nguồn dữ liệu khác nhau. Hiện nay, các công cụ của các hãng cho phép tích hợp với hầu hết các loại nguồn dữ liệu hiện có.
2. Tính năng quản lý metadata
Tính năng này tập trung vào 3 cấu phần:
- Chức năng quản lý từ điển thuật ngữ nghiệp vụ (Business Glossary)
- Chức năng quản lý từ điển dữ liệu (Data dictionary)
- Chức năng quản lý luồng dữ liệu (Data lineage)
3. Tính năng quản lý chất lượng dữ liệu
Chất lượng dữ liệu thường được quản lý thông qua các chức năng:
- Lập bản đồ dữ liệu (Data profiling)
- Thiết lập các quy tắc kiểm tra chất lượng dữ liệu (Data quality rules)
Một số công cụ quản trị dữ liệu cho phép thực hiện các chức năng này; hoặc có khả năng tích hợp với công cụ quản lý chất lượng dữ liệu để các thông tin về chất lượng dữ liệu được quản lý tập trung tại kho của siêu dữ liệu.
4. Tính năng Trình duyệt/Tìm kiếm (Browser/Search) cho phép người sử dụng có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin về dữ liệu vừa được thiết lập thông qua các tính năng bên trên.
5. Tính năng quản trị của công cụ
Tính năng này thường tập trung vào 4 nhóm yêu cầu:
- Quản lý và phân quyền người dùng trên công cụ.
- Thiết kế không gian làm việc cho các nhóm trên công cụ.
- Quản lý các hoạt động của người dùng công cụ.
- Cung cấp các báo cáo về các hoạt động quản trị dữ liệu.
Quản trị dữ liệu là một chủ đề rất mới tại Việt Nam, tuy nhiên các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn ứng dụng dữ liệu mạnh mẽ để phục vụ cho công việc, cuộc sống; vì vậy thực hiện quản trị dữ liệu là việc tất yếu. Trong các phần trên, chúng tôi đã chia sẻ các cách thức xây dựng, thực hành chương trình quản trị dữ liệu . Tuy nhiên, phạm vi thực hành của quản trị dữ liệu tương tác đến nhiều đơn vị, nhiều người trong tổ chức và liên quan đến nhiều yếu tố như văn hóa, trách nhiệm, pháp luật, quy trình, chuyên môn, công nghệ, vv, nên đây là một chương trình luôn gặp nhiều khó khăn.
Các tổ chức có thể đưa ra các nguyên tắc phù hợp với hiện trạng của mình để định hướng cho việc thực hành. Chúng tôi gợi ý một số nguyên tắc có thể hữu ích cho các doanh nghiệp khi định hướng thực hiện quản trị dữ liệu. Các nguyên tắc liên quan đến Quản trị dữ liệu và các nội dung của nó như: Sở hữu dữ liệu, Thuật ngữ kinh doanh, Từ điển dữ liệu, Phân loại dữ liệu, Truy cập dữ liệu, Bảo mật dữ liệu, Chất lượng dữ liệu và Tuân thủ dữ liệu.
Sự lãnh đạo và chiến lược: Sự thành công của Quản trị dữ liệu cần sự lãnh đạo có tầm nhìn, trách nhiệm và tận tâm.
Trách nhiệm chung: Trong tất cả các lĩnh vực của quản lý dữ liệu, quản trị dữ liệu là trách nhiệm chung giữa cán bộ quản lý dữ liệu kinh doanh, cán bộ quản lý dữ liệu kỹ thuật và cán bộ quản trị dữ liệu.
Sự hợp tác: Quản trị dữ liệu phải có sự hợp tác giữa các đơn vị nghiệp vụ, đơn vị dữ liệu, đơn vị công nghệ thông tin và các đơn vị khác có liên quan. Chương trình quản trị dữ liệu phải xác định rõ khung vận hành, trong đó chỉ định rõ vai trò, trách nhiệm và cách thức hợp tác giữa các đơn vị.
Nguyên tắc chính trực: Sự trung thực và thẳng thắn phải được đặt lên trên hết khi thảo luận, đánh giá, quyết định về các vấn đề dữ liệu nhằm mục đích nhận định đúng vấn đề; từ đó đề xuất được quyết định, giải pháp hiệu quả nhất.
Nguyên tắc minh bạch: Các quy trình quản trị, quản lý và khai thác dữ liệu phải thể hiện tính minh bạch. Tất cả các bên, bao gồm bên sử dụng dữ liệu và bên sở hữu dữ liệu, phải cùng hiểu đúng cách sử dụng dữ liệu đó. Khi có quyết định về việc sử dụng hoặc kiểm soát liên quan đến dữ liệu, quyết định đó phải được truyền đạt một cách chính thức, rõ ràng tới tất cả các bên liên quan nhằm ngăn chặn mọi xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyên tắc trách nhiệm giải trình: Quản trị dữ liệu phải xác định trách nhiệm giải trình đối với các quyết định, quy trình và biện pháp kiểm soát liên quan đến dữ liệu.
Nguyên tắc kiểm toán: Các quyết định, quy trình và biện pháp kiểm soát liên quan đến dữ liệu có thể kiểm toán được. Phải có tài liệu kèm theo để hỗ trợ các hoạt động yêu cầu kiểm toán.
Nguyên tắc sở hữu dữ liệu: Dữ liệu được sinh ra từ các hoạt động của tổ chúc là tài sản chung của tổ chức, không phải tài sản của các cá nhân hoặc bộ phận riêng biệt. Tuy nhiên, trách nhiệm làm việc với dữ liệu phải được phân công cho các vai trò trong tổ chức. Tổ chức phải chỉ định cá nhân làm Chủ sở hữu dữ liệu để điều phối các trách nhiệm về dữ liệu.
Nguyên tắc quản lý dữ liệu: Quản trị dữ liệu phải xác định trách nhiệm đối với các hoạt động quản lý dữ liệu gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, của từng nhóm quản lý dữ liệu. Việc bổ nhiệm người quản lý dữ liệu là cần thiết. Người quản lý dữ liệu sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các quy tắc và quy định đều được tuân thủ.
Dữ liệu được sinh ra từ các hoạt động của tổ chức là tài sản chung của tổ chức, không phải tài sản của các cá nhân hoặc bộ phận riêng biệt. Tuy nhiên, trách nhiệm làm việc với dữ liệu phải được phân công cho các vai trò trong tổ chức; các cá nhân hoặc các nhóm sẽ đảm nhận các vai trò này. Do đó, phải chỉ định cá nhân làm Chủ sở hữu dữ liệu để điều phối các trách nhiệm về dữ liệu.
Từng Phần tử dữ liệu phải thuộc về một Bộ dữ liệu và có Chủ sở hữu dữ liệu.
Giám đốc của đơn vị kinh doanh mà Bộ dữ liệu được sinh ra từ hoạt động kinh doanh của đơn vị đó thường được chỉ định là Chủ sở hữu của Bộ dữ liệu đó.
Chủ sở hữu của bộ dữ liệu được quy định rõ vai trò, trách nhiệm (như mô tả ở trên).
Chủ sở hữu có vai trò quản trị về sự an toàn và bảo mật dữ liệu, nhưng cũng phải chủ động tạo điều kiện cho phép các đơn vị trong toàn tổ chức được tiếp cận sử dụng dữ liệu để mang lại lợi ích cho toàn tổ chức. Đơn vị Công nghệ thông tin và đơn vị dữ liệu có trách nhiệm hỗ trợ trong phạm vi của mình để thực hiện việc này.
Từ điển thuật ngữ kinh doanh là danh sách các thuật ngữ kinh doanh và định nghĩa của các thuật ngữ này được sử dụng thống nhất trong tổ chức để đảm bảo mọi người trong tổ chức hiểu giống nhau và hiểu đúng ý nghĩa của dữ liệu, tránh các rủi ro từ việc hiểu nhầm các định nghĩa.
Các nguyên tắc sau đây hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và sử dụng Từ điển thuật ngữ kinh doanh tại hiệu quả.
- Tính nhất quán: Từ điển thuật ngữ kinh doanh phải được xây dựng và thống nhất định nghĩa trong toàn tổ chức nhằm tạo sự thuận tiện cho người sử dụng dữ liệu, tăng hiệu quả hợp tác giữa các đơn vị kinh doanh và tránh rủi ro do sự hiểu sai, hiểu khác nhau về ý nghĩa của dữ liệu.
- Tính tập trung: Từ điển thuật ngữ kinh doanh phải được lưu trữ trong một bảng thuật ngữ tập trung.
- Tiêu chuẩn hóa: Một định nghĩa có thể được chọn làm định nghĩa “chính thức” hoặc mỗi biến thể của từng đơn vị có thể được liệt kê để tham khảo. Cần phân loại các thuật ngữ và sử dụng các biểu mẫu chuẩn để tạo sự thuận tiện cho người sử dụng.
- Liên kết với Từ điển dữ liệu: Mỗi thuật ngữ kinh doanh phải được chỉ rõ quan hệ mô tả tài sản dữ liệu nào trong Từ điển dữ liệu.
- Quyền sở hữu: Chủ sở hữu dữ liệu chịu trách nhiệm là chủ sở hữu của Từ điển thuật ngữ kinh doanh liên quan đến đơn vị của mình. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về việc xây dựng, cập nhật, phê duyệt bảng thuật ngữ, giải quyết các tranh chấp về thuật ngữ và đảm bảo rằng những thay đổi được thông báo rõ ràng, kịp thời đến toàn tổ chức.
- Quản lý và duy trì: Cán bộ nghiệp vụ dữ liệu được giao trách nhiệm thực hiện quản lý, duy trì Từ điển thuật ngữ kinh doanh.
- Quyền truy cập: Tất cả nhân viên của tổ chức phải có quyền truy cập vào bảng thuật ngữ này và sẽ được khuyến khích tham khảo nó khi có sự nhầm lẫn.
- Quản trị: Phải có các quy định để hướng dẫn cách xây dựng, cập nhật, sửa đổi, phê duyệt, hủy bỏ, quản lý vận hành và phổ biến từ điển thuật ngữ kinh doanh trong toàn tổ chức.
- Kiểm toán: Bảng thuật ngữ kinh doanh cần được quản lý theo các phiên bản để kiểm soát được sự thay đổi và có khả năng kiểm toán.
Từ điển dữ liệu là kho lưu trữ thông tin tập trung về dữ liệu như ý nghĩa, mối quan hệ với dữ liệu khác, nguồn gốc, cách sử dụng và định dạng của dữ liệu. Từ điển dữ liệu hỗ trợ người quản lý, quản trị viên cơ sở dữ liệu, nhà phân tích hệ thống và lập trình viên ứng dụng trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và đánh giá việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu để đạt hiệu quả trong vận hành; hỗ trợ người phân tích dữ liệu khám phá và kiểm soát được nguồn dữ liệu đang sử dụng nhằm mục đích mang lại hiệu quả tối đa cho kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động tuân thủ và giải trình trách nhiệm của tổ chức.
Các nguyên tắc sau đây hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và sử dụng Từ điển dữ liệu.
- Tính đầy đủ: Từ điển dữ liệu được thiết kế nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về dữ liệu cho người sử dụng, do đó cần đảm bảo tối thiểu các thông tin cơ bản như: tên, định nghĩa, kiểu dữ liệu, kích thước, hệ thống lưu trữ, nguồn gốc, công thức tính toán, ngày bắt đầu có giá trị, ngày hết hạn, từ điển nghiệp vụ mô tả liên quan, chính sách, tiêu chuẩn, quy trình liên quan, dữ liệu tham chiếu liên quan, chủ sở hữu.
- Liên kết với Từ điển thuật ngữ kinh doanh: Mỗi phần tử dữ liệu được mô tả trong Từ điển dữ liệu phải được chỉ rõ quan hệ được mô tả bởi thuật ngữ kinh doanh nào trong Từ điển thuật ngữ kinh doanh.
- Tính tập trung: Từ điển dữ liệu phải được lưu trữ trong một kho tập trung của tổ chức.
- Quyền truy cập: Từ điển dữ liệu phải có khả năng truy cập được đối với tất cả người sử dụng dữ liệu.
- Quyền sở hữu: Giám đốc Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm là Chủ sở hữu của Từ điển dữ liệu. Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về việc xây dựng, cập nhật, phê duyệt từ điển dữ liệu, đảm bảo rằng những thay đổi được thông báo rõ ràng, kịp thời đến tất cả người sử dụng dữ liệu.
- Trách nhiệm quản lý và duy trì: Cán bộ quản lý kĩ thuật dữ liệu được chỉ định bởi Chủ sở hữu của Từ điển dữ liệu có trách nhiệm tích cực xây dựng, duy trì, cập nhật nội dung từ điển dữ liệu, hỗ trợ các đơn vị khai thác dữ liệu hiểu và trích xuất, tính toán đúng dữ liệu.
- Trách nhiệm sử dụng: Người sử dụng dữ liệu có trách nhiệm tích cực sử dụng từ điển dữ liệu chính thống của tổ chức.
- Tính cập nhật: Từ điển dữ liệu cần được xem xét theo lịch trình thường xuyên để đảm bảo tính cập nhật.
Phân loại dữ liệu nhằm đảm bảo tính an toàn của dữ liệu, kiểm soát chất lượng dữ liệu, xác định phạm vi, mức độ ưu tiên đối với các dự án/vấn đề về dữ liệu.
Các nguyên tắc sau hướng dẫn thực hiện việc phân loại dữ liệu.
Phân loại dựa trên mức độ bảo mật của dữ liệu
- Mức độ bảo mật của dữ liệu được chia làm tối thiểu 4 mức: Dữ liệu công cộng, Dữ liệu nội bộ, Dữ liệu mật, Dữ liệu tuyệt mật.
- Phải có các tiêu chuẩn và quy trình để định danh mức độ bảo mật cho các phần tử dữ liệu.
- Phải có các biện pháp và quy trình bảo mật dữ liệu tương ứng với các cấp độ bảo mật.
Phân loại dựa trên mức độ quan trọng của dữ liệu
- Mức độ quan trọng của dữ liệu được chia làm 2 mức: Dữ liệu trọng yếu và Dữ liệu thông thường.
- Dữ liệu trọng yếu: Là phần tử dữ liệu hỗ trợ cho việc thực hiện các nghĩa vụ, tuân thủ của tổ chức hoặc hỗ trợ các chức năng, quy trình kinh doanh quan trọng. Nếu chất lượng dữ liệu của dữ liệu trọng yếu không đạt yêu cầu có thể gây ảnh hưởng đến tài chính, danh tiếng của tổ chức, sự không hài lòng của khách hàng, gây ra rủi ro tuân thủ quy định của pháp luật.
- Dữ liệu thông thường: Là dữ liệu không phải là Dữ liệu trọng yếu.
- Phải có các tiêu chuẩn và quy trình để định danh mức độ quan trọng cho các phần tử dữ liệu.
Các nguyên tắc sau đây hướng dẫn việc thiết lập quyền truy cập và sử dụng dữ liệu an toàn, bảo mật và hiệu quả cho tổ chức.
Dữ liệu phải được phân loại để xác định mức độ nhu cầu bảo mật, yêu cầu pháp lý và các biện pháp bảo vệ tiêu chuẩn tối thiểu cho dữ liệu trước khi cấp quyền truy cập.
Quy định quyền truy cập dữ liệu bao gồm tối thiểu các nội dung xem xét sau đây.
- Quyền truy cập vào hệ thống mạng của tổ chức.
- Quyền truy cập vào các hệ thống thu thập, lưu trữ, vận hành, xử lý, phân tích và ứng dụng dữ liệu.
- Quyền truy cập theo mức độ bảo mật của dữ liệu.
- Quyền truy cập theo mức độ yêu cầu của công việc
- Quyền truy cập đặc biệt
- Các quyền thao tác khi truy cập dữ liệu bao gồm: xem, tạo, sửa, xóa, phê duyệt, phân tích dữ liệu.
Quyền truy cập sẽ được cấp dựa trên nguyên tắc đặc quyền tối thiểu, có nghĩa là mỗi chương trình và người dùng sẽ được cấp ít đặc quyền cần thiết nhất, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Việc phân quyền phải đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho dữ liệu, nhưng cũng phải cân bằng với mục đích khai thác, sử dụng nhằm đem lại lợi ích cho tổ chức.
Chủ sở hữu dữ liệu chịu trách nhiệm phê duyệt quyền truy cập dữ liệu mà mình làm chủ sở hữu.
Với vai trò quản lý hệ thống, Giám đốc Công nghệ thông tin chịu trách nhiệm phối hợp để triển khai việc phân quyền và giám sát trên các hệ thống.
Với chuyên môn về dữ liệu, Giám đốc dữ liệu có trách nhiệm tư vấn việc xác định các quyền và phạm vi truy cập cho từng đối tượng.
Tất cả nhân viên của tổ chức không cố tình truy cập dữ liệu khi không thuộc quyền hạn truy cập của mình.
Bảo mật dữ liệu là hoạt động bảo vệ dữ liệu khỏi bị truy cập trái phép, trộm cắp, xâm phạm, phá hoại trong toàn bộ vòng đời của nó. Bảo mật dữ liệu bao gồm mọi khía cạnh sau: bảo mật vật lý của phần cứng, thiết bị lưu trữ; kiểm soát quản trị và truy cập; bảo mật logic của các ứng dụng phần mềm; các chính sách và thủ tục của tổ chức.
Một số nguyên tắc cần thiết cho bảo mật dữ liệu.
Tất cả nhân viên và các bên thứ ba đã ký hợp đồng quyền truy cập và bảo mật dữ liệu và thông tin phải thực hiện trách nhiệm của mình.
Phải tuân theo các nguyên tắc truy cập và sử dụng dữ liệu được quy định.
Phải áp dụng các biện pháp kĩ thuật cần thiết để bảo vệ dữ liệu
- Bảo mật hệ thống : Phải có các biện pháp kĩ thuật bảo vệ vật lý và logic đối với máy chủ, bộ định tuyến, tường lửa và các tài sản CNTT, và đảm bảo có thể sao lưu và khôi phục máy chủ, các hệ thống quan trọng, và dữ liệu.
- Mã hóa dữ liệu: Khi cần thiết phải áp dụng các biện pháp mã hóa dữ liệu khi ở trạng thái lưu trữ và khi vận chuyển.
- Sao lưu, phục hồi và khắc phục thảm họa: Phải đảm bảo tất cả dữ liệu đều được sao lưu và các bản sao lưu đó được bảo vệ cẩn thận như dữ liệu đang vận hành và đảm bảo có thể khôi phục dữ liệu một cách nhanh chóng.
- Áp dụng các biện pháp tự động phát hiện, cảnh báo tức thời các lỗ hổng về tuân thủ và bảo mật ở mọi cấp độ.
Các nguyên tắc sau có thể hữu ích cho tổ chức để đảm bảo nguồn dữ liệu có chất lượng tốt.
Nhận thức: Đảm bảo chất lượng dữ liệu là trách nhiệm của mọi thành viên trong đội ngũ nhân viên nhập, trích xuất hoặc phân tích dữ liệu từ bất kỳ hệ thống nào. Mỗi cán bộ có liên quan cần nhận thức được trách nhiệm của mình liên quan đến chất lượng dữ liệu. Cam kết về chất lượng dữ liệu sẽ được truyền đạt rõ ràng trong toàn tổ chức để củng cố thông điệp này.
Thu thập dữ liệu
- Phải có các biện pháp kiểm soát đầy đủ đối với dữ liệu đầu vào nhằm đảm bảo độ chính xác. Các cán bộ thu thập dữ liệu cần có hướng dẫn, thủ tục rõ ràng và được đào tạo để sử dụng hệ thống nhằm đảm bảo thông tin được nhập chính xác và nhất quán.
- Cần có sẵn các hệ thống và quy trình rõ ràng để thu thập, xác nhận, kiểm tra và báo cáo dữ liệu.
- Dữ liệu chỉ nên được thu thập một lần bất cứ khi nào có thể để tránh sự thu thập nhiều lần, trên nhiều hệ thống.
- Tất cả các hệ thống được sử dụng để thu thập dữ liệu phải ở dạng điện tử bất cứ khi nào có thể để giảm nguy cơ sai sót của con người.
- Cần thường xuyên xem xét lại các hệ thống và quy trình được sử dụng để thu thập dữ liệu, bao gồm các công cụ lưu trữ dữ liệu để dữ liệu vẫn phù hợp với mục đích.
Sử dụng Từ điển dữ liệu: Cần phải có từ điển dữ liệu để tra cứu, hiểu đúng về định nghĩa, các công thức tính toán, nguồn gốc dữ liệu và hỗ trợ việc kiểm tra chéo về phương pháp tính toán và dữ liệu được tạo. Cần phải lưu giữ các dấu vết kiểm tra về bất kỳ thay đổi nào.
Cung cấp và sử dụng dữ liệu
- Tất cả dữ liệu phải được kiểm tra tính chính xác trước khi cung cấp cho người sử dụng tiếp theo.
- Dữ liệu được cung cấp phải kèm theo Từ điển dữ liệu về dữ liệu đó.
- Người sử dụng dữ liệu phải chủ động kiểm tra chất lượng dữ liệu khi sử dụng và chủ động báo cáo cho Ban chuyên trách quản trị và giám sát chất lượng dữ liệu khi phát hiện các vấn đề về chất lượng dữ liệu.
Giám sát chất lượng dữ liệu
- Chất lượng dữ liệu cần được giám sát để đảm bảo các thuộc tính của dữ liệu và sự tuân thủ các chốt kiểm soát.
- Nguyên tắc giám sát:
+ Việc giám sát được thực hiện thông qua các chốt kiểm soát đặt tại tất cả các giai đoạn trong chu trình vận hành dữ liệu, bao gồm: giai đoạn nhập liệu (dữ liệu đầu vào), vận chuyển dữ liệu, xử lý dữ liệu và khai thác dữ liệu (dữ liệu đầu ra).
+ Việc giám sát dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dữ liệu và mức độ chấp nhận đối với chất lượng dữ liệu .
+ Phải có quy trình giám sát chất lượng dữ liệu.
Trách nhiệm
- Chủ sở hữu dữ liệu chịu trách nhiệm về chất lượng dữ liệu của Bộ dữ liệu mà mình làm chủ và chủ động chỉ đạo giải quyết các vấn đề về chất lượng dữ liệu để đảm bảo dữ liệu có thể được sử dụng hiệu quả nhất.
- Với chuyên môn về dữ liệu, Giám đốc dữ liệu có trách nhiệm chỉ đạo việc đề xuất các giải pháp đo đạc, đánh giá, giám sát, cải thiện chất lượng dữ liệu và hỗ trợ Chủ sở hữu dữ liệu thực hiện các giải pháp này.
- Với vai trò quản lý hệ thống dữ liệu, Giám đốc Công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp và chỉ đạo hỗ trợ thực hiện các công việc kĩ thuật về dữ liệu và hệ thống để triển khai các việc đo đạc, thiết lập các biện pháp kĩ thuật giám sát, cải thiện chất lượng dữ liệu.
- Cần thiết lập Ban chuyên trách về chất lượng dữ liệu.
Quản trị dữ liệu cần xác định rõ các quy định của pháp luật về dữ liệu mà tổ chức phải tuân thủ và chủ động thực hiện tuân thủ.
Tích cực truyền thông, đào tạo cán bộ nhân viên nhận thức tầm quan trọng của tuân thủ dữ liệu.
Cần phân loại dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm để chủ động thực hiện các biện pháp bảo mật phù hợp như che dấu, mã hóa, bức tường lửa và các biện pháp công nghệ khác.
Lập bản đồ dữ liệu nhạy cảm trong toàn hệ thống, xây dựng các quá trình tự động để phát hiện các dữ liệu nhạy cảm.
Cần đảm bảo mọi thông tin, tài liệu được lưu trữ để phục vụ cho quá trình kiểm toán. Việc áp dụng giải pháp công cụ bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ mang lại hiệu quả cho việc giám sát tuân thủ và lưu trữ thông tin đầy đủ cho mục đích kiểm toán.
Theo dõi và cập nhật về các thay đổi hoặc các quy định mới của pháp luật về dữ liệu mà tổ chức phải tuân thủ và đảm bảo rằng hệ thống bảo mật luôn cập nhật, chương trình truyền thông đào tạo nhân viên được cập nhật và chính sách quản trị dữ liệu phù hợp với các quy định mới nhất.
Hãy liên hệ với BigBangData để có được tư vấn và giải pháp dữ liệu tốt nhất cho doanh nghiệp của quý khách hàng!